Vì sao một đứa thích game như tôi lại ghét chơi game di động?
Ngày trước tôi từng đã có suy nghĩ rằng game trên Smartphone vốn dĩ không phải là một miền đất màu mỡ, mang tính thử thách và có sự trải nghiệm tốt như trên PC hoặc Console. Thật lòng mà nói, tôi từng là 1 kẻ Anti các thể loại game trên thiết bị di động. Đối với tôi, game trên Mobile nó chỉ là những tựa game đơn giản và mang tính giết thời gian cao trong những phút nhàn rỗi. Khởi đầu bằng những trò Angry Bird hoặc Jruit Ninja có từ những chiếc iPhone 3GS vào năm 2010.
Còn trước đó, các Game trên Smartphone gần như chẳng có con game nào đáng được gọi là giải trí. Bởi vì vào những đời Smartphone đầu tiên, có sự hạn chế về công nghệ cũng như giá thành vẫn còn rất cao – thậm chí lúc đó còn chưa có khái niệm Smartphone giá rẻ như bây giờ. Thế nên chỉ những người có điều kiện mới đủ khả năng tài chính sắm cho mình những chiếc điện thoại. Mà người có điều kiện thì.. ai lại nghĩ mua Smartphone có giá trên lên tới hơn 800$ thời điểm năm 2007 – 2010 chỉ để chơi game?
Bạn có nghĩ rằng sẽ chơi... game trên một chiếc điện thoại như thế này từ năm 2013?
Lật lại lúc đó, những chiếc PC đã dần trở nên phổ biến, tiệm net thì nhiều vô số kể. Laptop cá nhân cũng không hẳn là một cái gì đó quá xa xỉ đối với sinh viên thành phố mang tên Bác như tôi. Thế nên tôi có thể dễ dàng trải nghiệm và chơi tốt những con game Hot trên PC thời đó. Từ Game Online đến các thể loại Game Offline, PC lẫn Laptop tôi chiến tuốt. Đặc biệt, với chiếc Laptop khi đó, tôi có thể chơi bất kỳ đâu và đủ để nhiều người thèm nhỏ dãi khi xách ra caffe với bạn bè. Nó không khác gì cảm giác bây giờ bạn cầm một chiếc Smartphone đi vòng vòng và ngồi xuống bất kỳ đâu để mở một con game Mobile và chơi.
Game trên smartphone mang lại trải nghiệm tệ?
Tôi đã từng có suy nghĩ đó, bởi lẽ game Mobile buộc phải chơi trên những chiếc Smartphone có màn hình nhỏ xíu. Còn nhớ thời điểm 2010 – 2012, những chiếc Smartphone có màn hình to nhất cũng chỉ 4-inch đến 4.5-inch mà thôi. Những thao tác vuốt vuốt cùng với việc phải căng mắt ra nhìn trên con màn hình nhỏ xíu. Trải nghiệm đó nhanh chóng khiến tôi chán nản và bỏ ngay suy nghĩ chơi game Mobile. Đấy là chưa kể đến thời điểm đó pin điện thoại chỉ nằm ở khoảng 2000mAh mà thôi. Thế nên việc muốn chơi game điện thoại buộc phải dính liền với.. cọng dây sạc, các trải nghiệm đó càng khiến tôi nhanh nản chí hơn.
Và chất lượng đồ họa thì…?
Khỏi phải nói, đồ họa của Game trên Smartphone so với game trên PC/Console ở khoảng 6 năm đầu tiên cứ như tranh vẽ của đứa mẫu giáo so với danh họa Pablo Picasso. Nó khiến tôi hụt hẫng – đừng ngạc nhiên, PC của tôi từ năm 2010 đã chơi được Max Setting Crysis 3 rồi (Memes : But can it run Crysis?). Họa chăng chỉ những tựa game Puzzle – giải đố hoặc Tower defense – Thủ thành – với đồ họa hoạt hình mới khiến tôi cài và chơi những lúc chờ người yêu làm đẹp. Với một người theo chủ nghĩa game siêu thực như tôi, thì có lẽ đồ họa Games trên Smartphone không phải là những gì tôi mong chờ.
Và rồi chuyện gì đến sẽ phải đến..
Công nghệ đã phát triển nhanh chóng, kéo theo đó là một loạt những gì từng được xem là tệ bỗng chốc trở nên hoàn hảo đến mức tôi phải ngạc nhiên khi nhìn lại quá khứ. Đó là lần đầu tiên tôi cầm một chiếc Smartphone có màn hình 6-inch – LG G Pro 2 ra mắt vào năm 2014. Với cấu hình hoàn hảo thời điểm bấy giờ như SoC SnapDragon 800 cùng Ram “tận” 3GB. Tôi đã thử một vài tựa game Smartphone của năm đó khiến tôi phải thốt lên về đồ họa như XCOM: Enemy Within với chất lượng hình ảnh không thua gì trên PC lúc đó (phiên bản PC ra mắt năm 2013 đã được Port lên Android năm 2014 với Engine của Unreal 3).
Và rồi những năm sau đó, nhiều games khác được mang lên Smartphone với chất lượng đồ họa đẳng cấp hơn. Công nghệ cũng chuyển mình, và Smartphone cũng được các hãng sản xuất với đa dạng tầm giá cũng như cấu hình. Smartphone từ một món hàng xa xỉ ở những ngày đầu ra mắt nay đã trở thành một món hàng đại trà đủ mẫu mã chủng loại và mức giá. Tới mức một đứa học sinh cấp 2-3 cũng dễ dàng được phụ huynh mua tặng một cái chỉ để giữ liên lạc (ối giời ơi thật ra nó chơi game không đó cô chú ạ..!) Games trên Smartphone cũng dần được các Dev – nhà sản xuất – chăm chút hơn, nhiều tựa Games trên Smartphone hiện nay có thể so sánh ngang hàng với PC/Console ở mức độ đồ-họa-thấp-nhất-có-thể-chấp nhận được như PUBG, Liên Quân Mobile hoặc mới đây là Genshin Impact hoặc tương lai gần sẽ là Liên Minh Tốc Chiến.
Chơi game trên smartphone theo cách… chuyên nghiệp?
Thậm chí, tính chất trải nghiệm cũng dần được cải thiện. Các dòng Smartphone nay còn được ra mắt với dòng chuyên phục vụ Game thủ như Asus ROG Phone hoặc Xiaomi BlackShark. Các yếu tố công nghệ phục vụ cho việc trải nghiệm Games trên Smartphone cũng được nhiều hãng chăm chút từng li từng tí như Controller – Tay cầm – dành cho Smartphone, cho đến hệ thống sạc siêu nhanh chỉ cắm 30 phút là đủ cho việc chơi Games 2-3 tiếng, hoặc thậm chí là cả quạt tản nhiệt cho Smartphone. Hệ sinh thái dành cho Games thủ trên Smartphone cũng phát triển nhanh chóng tới mức nhắm mắt cũng đếm được vài sản phẩm như tai nghe Games dành cho Smartphone cho đến.. bao tay dành cho việc chơi Games trên Smartphone.
Có thể nói, sự phát triển của Công nghệ và sự phát triển của Games đã biến những thứ tưởng chừng như bình thường như chiếc Smartphone vốn dùng cho nghe gọi hoặc làm việc bỗng chốc trở thành một cỗ máy chơi game chuyên nghiệp.
Kết
Từ một đứa Anti Games cho Smartphone, tôi dần bị thuyết phục bởi những bất tiện trong quá khứ nay đã được cải thiện đáng kể theo thời gian. Nó khiến tôi gần đây phải đi mua ngay một chiếc tay cầm Controller Razer Kishi cho chiếc Smartphone của tôi nữa kìa – Hihi khoe tý. Tất nhiên, với những bất tiện và ranh giới giữa Games cho Smartphone và Games cho PC đã dần được xóa bỏ. Thế giới Games bỗng chốc trở nên rộng lớn hơn rất nhiều với một đứa chỉ thích chơi Games PC/Console như tôi.
BQT 9Gate