Game Global là khái niệm được dùng cho những game được phát hành trên toàn cầu bằng một số ngôn ngữ thông dụng (Ví dụ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha,...). Nhưng trong những năm gần đây, xu hướng bản địa hóa ngôn ngữ của từng nước đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết khi ngày càng có nhiều tựa game Global được du nhập vào Việt Nam và có hỗ trợ tiếng Việt.
Gamevil chính là đơn vị tiên phong cho xu hướng này khi có khá nhiều sản phẩm có tên tuổi và cộng đồng lớn tại Việt Nam như: Summoners War, Kritika: Hiệp Sĩ Trắng,...
Năm 2017, thị trường Việt tiếp tục chào đón sự xuất hiện của bom tấn chặt chém Dynasty Warriors: Unleashed cũng như các sản phẩm đến từ NPH có cái tên khá lạ là Glohow với một số sản phẩm được truyền thông rộng rãi trên thị trường Việt trong thời gian gần đây như: King Raid, Phantom Chaser,...
Sự xuất hiện của các tựa game Global được chơi bằng ngôn ngữ tiếng Việt rõ ràng là một tin vui với cộng đồng game thủ Việt nhưng đồng thời nó cũng tăng sự cạnh tranh với các sản phẩm từ các NPH trong nước. Mặc dù cho đến thời điểm hiện tại, xu hướng này chưa ảnh hưởng nhiều đến thị trường game trong nước do số lượng còn ít nhưng chẳng có gì đảm bảo điều này sẽ không xảy ra trong tương lai?
Trong khi các NPH trong nước luôn phải chịu ảnh hưởng bởi các chính sách cũng như quy định về bản quyền, nội dung,... thì các NPH nước ngoài lại không bị giằng buộc và kiểm soát bởi cơ chế này. Để phát hành game, các NPH trong nước buộc phải xin giấy phép mới có thể truyền thông thì game của các NPH nước ngoài lại dễ dàng xuất hiện trên rất nhiều trang tin lớn và uy tín mà không có bất kỳ biện pháp kiểm soát nào.
Rõ ràng điều này đang trực tiếp ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài chưa kể đến các lợi thế khác về tài chính, thương hiệu cũng như chất lượng game.
Một vấn đề nhức nhối khác đó là vấn nạn game Lậu. Đây không phải là một vấn đề quá mới mẻ mà đã tồn tại gần một thập kỷ qua. Nếu như trước đây chỉ có các NPH như Kunlun, Perfect World,... phát hành game Lậu ở Việt Nam trực tiếp hoặc núp bóng dưới tên của các NPH Việt thì từ khi Facebook xuất hiện, hàng loạt cái tên đình đám khác cũng đã bắt đầu xâm lấn thị trường game Việt như Changyou và thậm chí là cả Tencent?
Một trong số các sản phẩm nổi bật gần đây có thể kể đến như Tam Thế Tình Duyên (122 Server - Mở 2Server/ngày) hay Vĩnh Hằng Kỷ Nguyên Mobile (80Server/2 tuần),...
Chỉ cần nhìn vào số lượng Server mở ra mỗi ngày là đủ biết doanh thu của game khủng khiếp như thế nào. Và theo như số liệu không chính thức về doanh thu game tại Việt Nam ở 1,2 năm trước thì nếu tổng doanh thu thị trường game tại Việt Nam là 100% thì tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm có... 25%?
Đây rõ ràng là con số đáng báo động khi dòng tiền trong nước đang bị chảy ra nước ngoài quá nhiều.
Năm 2017 thật sự là một năm rối ren đối với thị trường game Việt. Trong khi các doanh nghiệp trong nước kể cả NPH lớn vẫn đang đi tìm bài toán thu chi thì một vấn nạn mới lại tiếp tục được sinh ra.
Source Game không phải là khái niệm gì đó quá xa lạ với những người đang làm trong ngành game. Thậm chí nó còn giúp ích rất nhiều cho việc phát triển của các DEV (lập trình viên game) trong nước.
Nhưng biến tướng của nó mới là một vấn đề đáng để lo ngại?
Nếu ai chưa biết thì năm 2017 là một năm nở rộ của các game có đề tài MU. Hay nói cụ thể hơn là các game sử dụng source lậu của MU Origin để phát hành dưới rất nhiều tên gọi khác nhau.
Theo thống kê một cách khái quát thì hiện tại thị trường Việt đang có không dưới 20 tựa game sử dụng đề tài MU để kinh doanh trái phép.
Sẽ chẳng có gì đáng để nói nếu như các đơn vị các tựa game này đều có tư tưởng ăn xổi và vận hành game chỉ vài tháng rồi đóng cửa. Điều này đang ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý chung của cộng đồng game thủ tại Việt Nam khi game thủ Việt đang dần mất niềm tin vào sản phẩm của các NPH trong nước và dần chuyển sang chơi các tựa game nước ngoài. Thật đáng buồn cho các NPH Việt khi họ gặp khó khăn ngay trên chính đất nước của mình.
Chừng nào vấn nạn Source lậu vẫn còn tồn tại thì chẳng có gì ngạc nhiên nếu như tựa game đình đám Thanh Vân Chí Mobile được truyền thông cùng lúc dưới 3 đơn vị phát hành khác nhau. Thậm chí, ngay cả VNG - đơn vị đang nắm giữ bản quyền của tựa game Kiếm Vũ Mobi VNG cũng đang phải chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ sản phẩm có cùng source mang tên Tam Thế Tình Duyên được làm lậu ở Việt Nam?
Còn rất nhiều vấn đề đang tồn tại ở Việt Nam mà 9Gate không tiện đề cập trong bài viết này.
Thiết nghĩ, để giải quyết được bài toán này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các đơn vị, tổ chức là các cấp quản lý, các đơn vị truyền thông, thanh toán và cung cấp dịch vụ server,... và từ ngay chính nhận thức của các NPH.
Một vấn đề tưởng chừng là nhỏ, nhưng nhiều vấn đề nhỏ sẽ tạo thành một vấn đề lớn. Xin đừng vì cái lợi trước mắt mà quên mất giá trị tồn tại của đơn vị, tổ chức mình?
BQT 9Gate