Những ngày qua, nhiều nguồn thông tin cho rằng game online ở Việt Nam bây giờ hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc, game “Made in Việt Nam” ngày càng ít do nhiều NPH lo sợ rủi ro nếu đầu tư làm game. Thực tế thì nỗi lo ấy đã có từ cách đây rất lâu rồi, từ thời làm game Client, webgame các NPH game Việt Nam đã từng thử sức đầu tư sản xuất game, tuy nhiên không phải sản phẩm nào cũng thành công, thậm chí thất bại nhiều về mặt doanh thu.
Chắc nhiều game thủ vẫn còn nhớ 7554, 2112, Thuận Thiên Kiếm… đã từng xuất hiện ra sao và “biến mất” như thế nào. Khi chính game thủ Việt tự crack game nước nhà để không phải mua đĩa bản quyền, đó cũng là lúc niềm tin vào việc phát triển game Việt và mong đợi sự ủng hộ hoàn toàn sụp đổ. Những khó khăn cứ thế đè nặng lên các Startup sản xuất game khiến họ đành phải sản xuất những trò chơi “không dành cho người Việt”.
Vốn đầu tư lớn mà khả năng thu hồi vốn đến lãi rất “mông lung”
Cách đây rất lâu, từng có thông tin tiết lộ Thuận Thiên Kiếm đã ngốn khoản tiền khổng lồ để sản xuất và xây dựng đội ngũ làm game, tuy nhiên doanh thu lại chẳng được bao nhiêu. Nhiều người không tin nhưng nếu xét về việc tách một mảng sản xuất game ra thì sẽ thấy nó tốn kém như thế nào so với phát hành game.
Đầu tiên là phải xây dựng đội ngũ sản xuất game, đó là những người có trình độ cao so với mặt bằng thiết kế đồ họa, thiết kế game hiện nay. Sau đó là xây dựng máy móc, công nghệ và cần một thời gian khá dài để nghiên cứu thị trường, thị hiếu game thủ. Tiếp đó phải tìm được ý tưởng đủ hay rồi xây dựng thành game… Rất nhiều công đoạn, rất nhiều quy trình và tất cả đều ngốn tiền.
Ngược lại nếu NPH chỉ mua game Trung Quốc về thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Không cần đội ngũ sản xuất, chỉ cần vận hành game, sử dụng tools có sẵn của bên Developer. Sau đó chỉ việc chạy truyền thông quảng cáo trên các kênh là đã có thể phát hành game. Tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc tự sản xuất game và bao gồm tất cả các khâu kể trên.
Công nghệ làm game của Developer Việt chưa phát triển mạnh
Điều này có vẻ là rào cản lớn nhất khiến game Việt Nam mãi vẫn cứ trầy trật ở “ao làng” mà không thể bước ra thị trường quốc tế được. Cú hích mang tên Flappy Bird những tưởng sẽ giúp ngành game Việt Nam khởi sắc và phát triển đột biến, thế nhưng thực tế lại không đạt như kì vọng của nhiều người. Đúng là vẫn có nhiều game mới ra mắt và được chú ý gần đây, nhưng hầu hết là dành cho smartphone và “không dành cho người Việt”.
Tuy nhiên trong tháng vừa qua, sự kiện eWings Studio giới thiệu những hình ảnh đầu tiên về tựa game Kim Dung Quần Hiệp Truyện có đồ họa Full 3D xoay 360 độ được coi là bước tiến quan trọng của Developer Việt. Đồ họa đẹp và nhiều tính năng độc đáo đang giúp trò chơi này nhanh chóng nhận được cảm tình của game thủ Việt. Rất có thể đây chính là cơ hội để game “Made in Việt Nam” thực sự bứt phá trong năm 2017 này.
Thị hiếu game thủ Việt vẫn ưa chuộng game kiếm hiệp, Tam Quốc
Nhiều người sau khi nghe thông tin về game “Made in Việt Nam” Kim Dung Quần Hiệp Truyện lại có thắc mắc: Tại sao game Việt mà lại sử dụng cốt truyện kiếm hiệp? mà không phải là sử Việt? Thực tế là đã có nhiều game lồng ghép các chi tiết và tướng Việt vào game rồi, Vua Thủ Thành, Loạn Đấu Võ Lâm, Ngũ Hổ Tướng… nhưng sự thật đôi khi phũ phàng hơn nhiều người nghĩ. Game thủ họ có thể bỏ nhiều tiền ra để sở hữu những tướng “danh tiếng” như Quách Tĩnh, Dương Quá, Độc Cô Cầu Bại, Quan Vũ, Lữ Bố… chứ ít khi thấy họ bỏ tiền mua những tướng kiểu Thạch Sanh, Chử Đồng Tử hay Tiên Dung…
Đó không hẳn là về mặt chỉ số tướng, mà là do thói quen ưa chuộng game kiếm hiệp, Tam Quốc đã có từ hơn chục năm nay tại thị trường game Việt Nam. Chính vì thế để phục vụ cộng đồng game thủ, tất nhiên các Developer Việt cũng phải chiều theo thị hiếu người chơi mà sản xuất ra những tựa game mang cốt truyện kiếm hiệp, và nhiều tựa game tương tự đã thành công vang dội như Đại Minh Chủ, Mộng Võ Lâm. Chính vì thế Kim Dung Quần Hiệp Truyện được coi là bước tiến mới, vượt trội hơn cả về đồ họa lẫn nội dung game, sẽ là đối trọng với hàng “tấn” game Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam.
Tạm kết
“Làm game khó lắm, phải đâu chuyện đùa…” và thực sự đúng là như vậy. Nhưng đâu thể chỉ vì khó và những con người tài năng của Việt Nam bỏ cuộc. Sự thành công của những sản phẩm phát hành thị trường quốc tế là minh chứng rõ ràng Developer Việt cũng giỏi không kém gì những đồng nghiệp ở nước ngoài. Vì thế chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng một tương lai không xa, game Việt sẽ có nhiều sản phẩm chất lượng, đẳng cấp để bảo vệ “sân nhà” trước những trò chơi du nhập từ Trung Quốc.
BQT 9Gate