Điều đầu tiên phải khẳng định, Esports là một cuộc đua đường dài, nơi mà các nhà phát hành nhỏ gần như không thể đọ lại được về tiềm lực tài chính. Tại Việt Nam thời điểm hiện tại, ngoài Garena và VNG, không một NPH nào đủ sức mạnh về “vật chất” để chạy đua trong "cuộc chiến” cơm áo gạo tiền này.
Đã từng thử sức nhưng thất bại đầy cay đắng
Tại Việt Nam không thiếu các nhà phát hành game có tiếng. Ngoài VNG và Garena thì còn có Gamota, Funtap, Gosu… đều là những tên tuổi lớn của làng game Việt. Nhưng trong số đó, người thành công hay nói chính xác hơn là chịu chơi, chịu chi cho Esports thì chỉ có hai là Garena và VNG. Các nhà phát hành khác đã từng thử sức với game Esports đều nhận kết cục không mấy tốt đẹp.
Gamota từng tham vọng tham gia vào cuộc đua Esports với ba sản phẩm AOG – Đấu Trường Vinh Quang, Vainglory và Survival Heroes. Số phận của ba tựa game ấy bây giờ thì một đã đóng cửa, hai sản phẩm khác thì ngắc ngoải. Tuy vẫn có người chơi nhưng chỉ “đủ để cầm chừng” chứ không còn giữ được vị thế “bom tấn” ngày nào. Vainglory thì đã gần như tuyệt chủng tại nhiều quốc gia, Survival Heroes thì vẫn có một lượng người chơi trung thành nhưng không thể đủ để tạo một sân chơi đông đảo.
Funtap đã và đang làm với Marvel Super War nhưng nếu ai để ý thì tựa game này có thể chỉ là cơ chế đồng phát hành. Tức là Funtap chịu trách nhiệm truyền thông còn vận hành máy chủ thì vẫn là NetEase. Điều này giúp cho Funtap hạn chế tối đa sự rủi ro giống như đối thủ Gamota. Kể cả VNG cũng đã từng thất bại rất nhiều lần với game Esports như Crossfire Legends, 3Q 360mobi, trong đó 3Q 360mobi là tựa game MOBA Esports gần như đầu tiên tại thị trường Việt Nam.
Esports là sân chơi “tốn tiền”
Esports là một cuộc đua đầy đặc thù, nơi mà NPH phải bỏ tiền nhiều hơn để vận hành game, để tổ chức giải đấu, để duy trì cộng đồng nhưng vẫn phải cố gắng duy trì sự phát triển của các sản phẩm khác nhằm “bù lỗ”. Esports không phải dòng game hái ra tiền ngay lập tức như MMORPG, nơi mà chỉ cần sau một thời gian ngắn, NPH có thể thu hồi vốn một cách nhanh chóng.
Làm game Esports là rất... tốn tiền
Điều này đồng nghĩa với việc, NPH phải bỏ tiền ra nhiều hơn, thậm chí là nhiều hơn số tiền thu vào từ việc bán tướng hay skin. Ngay cả Tốc Chiến hiện tại, VNG cũng không phải là đơn vị phát hành 100% mà chỉ là “đồng phát hành”, nghĩa là rủi ro mà NPH này phải chịu, cũng tương tự như Funtap, thấp hơn rất nhiều so với việc toàn quyền phát hành.
Tổ chức giải đấu tốn rất nhiều chi phí
Tuy nhiên, VNG cũng sẽ phải bỏ chi phí marketing, quảng cáo, truyền thông và cả góp phần tổ chức các giải đấu tại Việt Nam. Nhưng như đã nói, VNG và Garena là hai thế lực lớn của làng game Việt và hai ông lớn này chấp nhận chịu chi để đầu tư cho sân chơi Esports. Điều mà các nhà phát hành như Gamota hay Funtap vốn đã quen với phát hành game nhập vai không thể đọ lại.
Cái chết từ tư duy của NPH
Nhìn lại ví dụ Survival Heroes và AOG – Đấu Trường Vinh Quang của Gamota, có thể thấy ngay một điều là NPH này để giá nạp quá cao so với mặt bằng chung các tựa game MOBA vào thời điểm đó. Nếu như mức giá trung bình để mua một skin tướng rẻ nhất trong Liên Quân là 50.000 VNĐ thì lấy con số này x2 sẽ ra được số tiền mà game thủ phải bỏ ra để sở hữu trang phục “cũng là rẻ nhất” trong AOG – Đấu Trường Vinh Quang. Rất ít game thủ Việt thời điểm đó chấp nhận chịu chi như vậy khi mà chất lượng của AOG vào thời điểm đó khó có thể coi là tốt.
Giá tướng và skin trong AOG rất đắt
NPH muốn thu về thật nhanh, thật nhiều. Nhưng để làm được điều đó, NPH phải vận hành game tốt trước đã. Còn AOG có tốt hay không thì tất cả đã biết và cái kết của tựa game này như thế nào thì game thủ Việt cũng đã rõ. Kể từ đó, chưa thấy tựa game Esports mới nào được phát hành bởi Gamota. Như đã nói ở trên, nhiều NPH tại Việt Nam hiện tại làm game Esports nhưng với tư duy của dòng MMORPG.
Tư duy đó là gì, là chi phí bỏ ra thấp nhất nhưng lợi nhuận thu về phải nhiều nhất, đó chưa bao giờ là con đường để phát triển game Esports tại Việt Nam cũng như thế giới. Và đó là lý do giải thích vì sao ở Việt Nam hiện tại, chỉ có Garena và VNG, những người đủ sức, đủ lực hay nói thẳng ra là nhiều tiền để làm game Esports. Hãy nhìn vào chi phí vận hành game, marketing, truyền thông, tổ chức giải đấu, tiền thưởng cho đội vô địch… là đủ hiểu phát hành game Esports tốn kém như thế nào. Có lẽ trong tương lai, cũng sẽ chỉ có hai nhà phát hành này tiếp tục ra game Esports, còn lại khả năng chỉ là dự án trên giấy mà thôi.
BQT 9Gate