Có thể thấy truyện tranh Manga Nhật phát triển mạnh mẽ và lan rộng trên toàn thế giới một phần nhờ kết hợp với truyền hình. Những tập truyện hay được chuyển thể thành phim và ngược lại những bộ phim ăn khách cũng có mặt tại quầy sách dưới dạng truyện tranh. Thử hỏi bất kỳ một bạn trẻ Việt Nam nào mà không biết đến Doraemon, hay Naruto, One Piece, Dragon Ball. Nói như thế để thấy rằng làn sóng văn hóa Nhật Bản mà ở đây là Manga, Anime đã vượt khỏi biên giới xứ anh đào để lan sang tận ra các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, càng hưởng ứng Manga, Anime bao nhiêu thì dường như các bạn trẻ lại hững hờ với gMO (game mobile online) từ Nhật Bản bấy nhiêu. Nhìn lại thị trường gMO hiện nay, có rất ít hay đúng hơn là khan hiếm những tựa game từ quê hương của mèo máy trứ danh. Game Nhật “chất”, điều này không ai bàn cãi, thế nhưng thể loại này chưa thực sự “cám dỗ” được game thủ Việt như game từ xứ sở Gấu Trúc. Thu thập ý kiến từ các bạn trẻ đam mê truyện tranh và gMO, chúng tôi ghi nhận lại những lý do như sau.
“Game Nhật đa phần là Card game, một thể loại khá mới mẻ với người chơi Việt Nam và thường theo dạng thu thập nên tốn khá nhiều thời gian, trong khi người Việt lại thích “mìăn liền” nên khó sống tại Việt Nam” - Kami Kami, 19 tuổi, hâm mộ Naruto cho biết.
Trong khi đó, Abbie - designer ngành game thì nhìn nhận dưới góc độ người trong nghề: “Art của game Nhật thì đẹp nhưng tốn nhiều công sức để vẽ, mất thời gian rất lâu để ra một art mới cho game nên khiến user cũng nản. Phần lớn người chơi game mobile tại Việt Nam không thích kiểu art Nhật mà thích art Tây nhiều hơn, trừ fans Otaku”.
“Game Nhật không nạp tiền sẽ rất khó chơi, phải nói là cực kỳ khó chơi luôn. Ở Nhật người chơi dù không muốn vẫn phải nạp tiền vào để chơi lúc đầu dễ chút. Việt Nam toàn thích chơi chùa, free to play is the best”, Đình Phương, 20 tuổi - du học sinh Nhật Bản nhận định.
Mặt khác, game Nhật phụ thuộc vào tập quán người dùng. Dân Nhật sẵn sàng bỏ tiền để thử và bỏ thời gian để cày cho dù biết hay dở, sau đó họ sẽ quyết định nghỉ chơi game hay theo tiếp, một khi đã theo là theo dai dẳng. Game thủ Việt thì quyết định phụ thuộc vào cái nhìn đầu tiên và một tiếng chơi game nên game Nhật (đòi hỏi thời gian trải nghiệm) đều khó sống.
Abbie cũng chia sẻ thêm rằng: “Các game Nhật có nhiều người thích thường là action (chặt chém), audition (âm nhạc) và card battle. Trong đó thì có action và audition là dễ thu hút hơn, còn card battle thì hardcore (khó). Đại bộ phận giới trẻ Việt Nam do ảnh hưởng Tây hóa nên các bạn trẻ thích game châu Mỹ, Âu hơn, thêm ảnh hưởng của LOL càng ngày lan rộng nên thể loại MOBA game cũng hút, game Nhật không có đất sống.”
Game Audition của Nhật cũng có điểm yếu là dùng nhạc Nhật nên đại bộ phận game thủ không thích, nghe chán. Một điều nữa cũng quan trọng là game Nhật không có liên kết chặt chẽ với các mạng xã hội như Facebook, không giống game Tây là có chia sẻ thành tích, chia sẻ màn chơi hay bất cứ thứ gì nên không tạo dựng được cộng đồng như người chơi Việt vẫn thích. Hay nói đúng hơn là trình độ “tự kỷ” của game thủ Nhật khá cao, họ thích ngồi trong nhà 1 mình 1 game, gameplay lặp đi lặp lại không có gì mới, không có game Nhật nào chơi với giao diện nhiều tài khoản cùng một lúc.
Ngoài những lý do trên thì có lẽ sự khác biệt về văn hóa, lối sống và cách chơi khác biệt chính là rào cản để game Nhật chưa xâm nhập vào thị trường Việt như Manga hay Anime. Tuy nhiên, nếu quảng bá tốt, thiết kế hợp gu,nhiều gameplay tương tác thì không ít game thủ sẵn sàng cày ngày càng đêm cho tựa game như thế.
Năm 2014 đang chứng kiến cuộc chạy đua của hàng loạt NPH, thị trường gMO đang trong giai đoạn cạnh tranh quyết liệt khi mà số lượng tựa game ra mắt ngày một tăng mạnh, liệu rằng có NPH nào nhìn thấy được những điểm hay cũng như cơ hội khi đầu tư cho một gMO đến từ Nhật Bản? Nếu như có thì đây quả là tin vui cho tín đồ Manga, Anime khi giới trẻ lại có thêm “món giải trí” chất lượng.
Haichiao